Sau Việt Nam, một nước ASEAN muốn triển khai điện hạt nhân

Nước này muốn đạt mục tiêu phát thải carbon ròng bằng 0.

Sau Việt Nam, một nước ASEAN muốn triển khai điện hạt nhân - Ảnh 1.

Tờ Straits Times (Singapore) đưa tin Chính phủ Malaysia, sau khi thảo luận vào cuối tháng 11 về lộ trình hạt nhân do Hội đồng Năng lượng Quốc gia (MTN) đề xuất, đã quyết định rằng hạt nhân là "một trong những lựa chọn sản xuất điện" sau năm 2035. 

“Bản thân Thủ tướng (Malaysia - PV) cũng muốn đẩy nhanh tiến trình này”, một quan chức cấp cao của Chính phủ Malaysia nói với Straits Times, đồng thời cho biết thêm rằng về các quy định do Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) đặt ra sẽ mất khoảng một thập kỷ để hoàn thành.

Đầu tháng 11, một số bộ trưởng đã tiết lộ rằng Malaysia đang xem xét khả năng sử dụng năng lượng hạt nhân.

Kể từ đó, một số nguồn tin đã xác nhận rằng MyPOWER, một cơ quan thuộc Bộ Chuyển đổi Năng lượng và Chuyển đổi Nước (Petra) có nhiệm vụ tổ chức cải cách ngành điện, đã được chỉ định là tổ chức thực hiện chương trình năng lượng hạt nhân của Malaysia (Nepio).

Sau Việt Nam, một nước ASEAN muốn triển khai điện hạt nhân - Ảnh 2.

Malaysia đang dự kiến đa dạng nguồn cung cấp điện trong đó có phương án điện hạt nhân.

Nepio chịu trách nhiệm điều phối công việc cần thiết để đưa các nhà máy điện hạt nhân vào vận hành theo khuôn khổ của IAEA.

Nhưng một quan chức cho biết mặc dù đã có các cuộc thảo luận sơ bộ với các nước khác để đẩy nhanh việc triển khai điện hạt nhân của Malaysia, vấn đề này vẫn cần được xử lý thận trọng vì có liên quan đến "các vấn đề nhạy cảm chính trị trong nước và các cân nhắc về địa chính trị".

Mặc dù Bộ trưởng Bộ Chuyển đổi Năng lượng và Chuyển đổi Nước Fadillah Yusof không nêu rõ thời điểm đưa ra quyết định, nhưng ông nói rằng việc sử dụng “năng lượng hạt nhân trong sản xuất điện trong tương lai” có tính đến cam kết của Malaysia đối với Thỏa thuận Paris về Biến đổi Khí hậu của Liên hợp quốc cũng như nhu cầu ngày càng tăng về đảm bảo nguồn cung cấp điện đáng tin cậy và tăng trưởng kinh tế bền vững.

“Ngày triển khai năng lượng hạt nhân chắc chắn trong hệ thống điện của chúng tôi sẽ phụ thuộc vào kết quả của các nghiên cứu khả thi đang được tiến hành, trong đó tính đến nhiều khía cạnh kinh tế, kỹ thuật cũng như xã hội của phát triển hạt nhân”, lãnh đạo Bộ Chuyển đổi Năng lượng và Chuyển đổi Nước cho biết.

Sau Việt Nam, một nước ASEAN muốn triển khai điện hạt nhân - Ảnh 3.

Mục tiêu Net Zero thúc đẩy các quốc gia tìm kiếm đến các năng lượng bền vững, năng lượng tái tạo.

Theo thỏa thuận Paris, Malaysia cam kết đạt mục tiêu phát thải khí nhà kính bằng 0 vào năm 2050, cũng như giảm 45% cường độ carbon so với mức năm 2005 vào năm 2035.

Với những mục tiêu này, Malaysia có thể không còn lựa chọn nào khác ngoài việc đưa năng lượng hạt nhân trở thành một phần thiết yếu trong cơ cấu năng lượng.

Nhu cầu điện tăng đột biến, phần lớn là do sự phát triển bùng nổ của các trung tâm dữ liệu sử dụng nhiều tài nguyên. Công ty điện quốc gia Malaysia Tenaga đã nhận được đơn xin cung cấp từ các trung tâm dữ liệu vượt quá 11 gigawatt, hoặc hơn 40% công suất lắp đặt hiện có của toàn Bán đảo Malaysia.

Nhiên liệu hóa thạch vẫn chiếm hơn 70% thành phần năng lượng của Malaysia. Theo Petra, công suất năng lượng tái tạo của Malaysia hiện đạt 28% lưới điện quốc gia. Chính phủ đặt mục tiêu tăng lên 31% vào năm 2025, 38% vào năm 2030 và lên tới 70% vào năm 2050.

Các nhà máy điện hạt nhân sẽ tạo ra điện ổn định hơn so với năng lượng mặt trời cũng như đập thủy điện.

Các láng giềng ASEAN rục rịch triển khai điện hạt nhân

Malaysia lần đầu cân nhắc về năng lượng hạt nhân vào năm 2008 cùng với tham vọng xây dựng hai nhà máy điện hạt nhân hoạt động vào năm 2021, các kế hoạch đã có bước ngoặt bất ngờ và bị hoãn vô thời hạn.

Động thái của Malaysia đi theo bước chân của các nước láng giềng Indonesia và Singapore , cả hai đều đã nỗ lực cung cấp năng lượng hạt nhân cho lưới điện của mình.

Indonesia dự kiến sẽ bắt đầu thử nghiệm lò phản ứng đầu tiên vào năm 2028, là nhà máy đầu tiên trong số hơn 20 nhà máy điện hạt nhân dự kiến sẽ được đưa vào hoạt động vào năm 2050.

Vào tháng 7, Singapore đã ký một thỏa thuận có thời hạn 30 năm được gọi là Thỏa thuận 123 về Hợp tác Hạt nhân với Hoa Kỳ, cho phép nước này tiếp cận công nghệ hạt nhân mới nhất từ các tổ chức của Hoa Kỳ, mặc dù chưa có quyết định chắc chắn nào về việc triển khai các nhà máy hạt nhân.

Sau Việt Nam, một nước ASEAN muốn triển khai điện hạt nhân - Ảnh 4.

Cuối tháng 8/2024, trên thế giới có 415 lò hạt nhân năng lượng đang vận hành.

Tại Việt Nam, hồi cuối tháng 11 vừa qua, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV. Một trong những nội dung đáng chú ý tại nghị quyết là Quốc hội đã đồng ý tiếp tục thực hiện chủ trương đầu tư dự án điện hạt nhân Ninh Thuận theo tờ trình của Chính phủ.

Theo Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Hòa Bình, hiện nay điện hạt nhân ngày càng được nhiều nước quan tâm và tiếp tục phát triển trong bối cảnh chống biến đổi khí hậu, thực hiện cam kết giảm phát thải khí nhà kính, bảo đảm an ninh năng lượng.

Tính đến cuối tháng 8/2024, trên thế giới có 415 lò hạt nhân năng lượng đang vận hành, với tổng công suất lắp đặt 373.735 MWe và 62 lò đang được xây dựng với tổng công suất khoảng 64.971 MWe. Bên cạnh 32 nước đang sở hữu và vận hành các nhà máy điện hạt nhân, 20 quốc gia khác đang xem xét phát triển để đáp ứng nhu cầu năng lượng, hiện thực hóa các cam kết khí hậu.

Trong khi đó, nhu cầu tiêu thụ điện của Việt Nam được dự báo vẫn tiếp tục tăng cao. Tổng công suất hệ thống điện hiện nay khoảng 80 GW, cần thêm khoảng 70 GW đến năm 2030 và 400-500 GW đến năm 2050.

“Phát triển nguồn điện hạt nhân ở Việt Nam mang lại nhiều tác dụng như đa dạng hóa nguồn cung cấp điện, bảo đảm an ninh năng lượng. Đáp ứng nhiệm vụ kép vừa cung cấp điện nền, vừa bảo vệ môi trường”, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình cho biết.

Bên cạnh đó, chi phí sản xuất điện trung bình của điện hạt nhân có thể cạnh tranh được với các nguồn truyền thống khác. Phát triển nhân lực chất lượng cao, nâng cao tiềm lực khoa học công nghệ quốc gia, tham gia vào chuỗi cung ứng công nghiệp điện hạt nhân.

Theo Nhịp sống thị trường